Đắk Lắk tiên phong tuân thủ sản xuất cà phê theo quy định EUDR

Sau hơn 1 năm tỉnh Đắk Lắk triển khai thu thập thông tin về vùng trồng cà phê, để đáp ứng quy định chống mất rừng của Liên Minh Châu Âu (EU), đã có hơn 25.000 nông dân tại 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia bao gồm Krông Năng, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea H'leo, Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Tổng diện tích đã có đủ thông tin và được chứng nhận khoảng 27.000 hecta với sản lượng gần 90.000 tấn.

Tháng 4/2024, Simexco Đắk Lắk được ghi nhận là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được cấp hai bản chứng thực 4C-EUDR đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR. Doanh nghiệp này cũng đã xây dựng app EUDR, phù hợp với quy định mới của EU. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco DakLak, cho biết việc sớm đáp ứng các tiêu chuẩn của EU là một lợi thế lớn của cà phê Đắk Lắk trên thương trường.

“Với sự sẵn sàng của người nông dân cũng như các liên kết bền vững của Việt Nam, đến nay, dù chưa được áp dụng, nhưng một số nhà rang xay họ vẫn đang chấp nhận mua với mức thưởng để tiếp tục động viên những liên minh này liên kết với nhau để phát triển, kiểm soát chặt chẽ hơn theo tiêu chuẩn không gây mất rừng của châu Âu”, ông Lê Đức Huy cho biết.

 

Đắk Lắk là tỉnh trọng điểm trồng cà phê của cả nước với hơn 200.000 ha, hiện gần 50% diện tích được chứng nhận sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng. Mục tiêu hết năm 2025 sẽ có 70% diện tích được chứng nhận
Đắk Lắk là tỉnh trọng điểm trồng cà phê của cả nước với hơn 200.000 ha, gần 50% diện tích đã được
chứng nhận sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng. Mục tiêu hết năm 2025 sẽ có 70%
diện tích được chứng nhận

 

Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng - EUDR sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2026. Quy định này tác động trực tiếp đến ngành cà phê – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 40 - 50% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, đối với Đắk Lắk, tỉnh trọng điểm trồng cà phê cả nước với hơn 200.000 hecta, việc triển khai sớm việc đáp ứng quy định này đã cho thấy sự nhanh nhạy của chính quyền tỉnh Đắk Lắk cùng với các doanh nghiệp trong ngành, giúp ngành hàng cà phê - ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh nâng cao uy tín, giá trị và vị thế trên thị trường quốc tế.

“Đáp ứng được EUDR sẽ nâng cao được giá trị, chiếm lĩnh được thị phần tại châu Âu, cải thiện hình ảnh của ngành hàng cà phê Việt Nam. Yêu cầu của EU rất khắt khe mà chúng ta làm được, xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường EU thì hình ảnh của chúng ta là rất tốt”, ông Trịnh Đức Minh nhận định.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, một trong những giải pháp then chốt của Đắk Lắk để tuân thủ EUDR là việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê đầy đủ, chính xác và minh bạch. Đắk Lắk đang là tỉnh đi đầu cả nước trong việc thực hiện quy định của EUDR, hiện đã đạt khoảng 50% diện tích. Tỉnh đặt mục tiêu đến tháng 1/2026, sẽ có ít nhất 70% diện tích cà phê được chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Để đạt mục tiêu này, Đắk Lắk đang xây dựng hệ thống dữ liệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số và định vị, đào tạo và hợp tác công – tư… hướng tới xây dựng một “chuỗi cung ứng xanh” toàn diện cho ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đánh giá lại kết quả thực hiện dự luật EUDR, qua đó đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả cũng như phát triển ngành hàng cà phê bền vững. Dù Liên minh châu Âu gia hạn 1 năm nữa mới áp dụng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cũng rất cần sự chủ động đi trước, đi đầu để tạo ưu thế trong vấn đề xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu”, ông Nguyễn Hoài Dương nhìn nhận.

Với sự chủ động, tích cực áp dụng các phương pháp trồng trọt bền vững, tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa khối công và tư, Đắk Lắk vẫn đang khẳng định vị thế tiên phong trong sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn của EU. Đây không chỉ là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước và môi trường sống, nhất là trong bối cảnh EU triển khai các quy định toàn cầu về phát triển bền vững. Thành công của Đắk Lắk sẽ tạo động lực rất lớn để các vùng sản xuất cà phê khác của nước ta tiếp tục hướng tới mô hình canh tác bền vững.

Bình luận
Gửi bình luận
Mới nhấtQuan tâm nhất