Giá cà phê hôm nay đang ở mức trung bình 133.400 đồng/kg, giảm mạnh 2.000 đồng so với hôm trước. Mức giá nội địa cao kỷ lục đã kích thích nông dân bán cà phê ra một phần, tác động lớn đến giá cà phê.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua và rạng sáng nay, giá cà phê giảm rất mạnh trên cả 2 sàn London – Anh và New York – Mỹ, mức giảm từ 1,35% - 2,75%. Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 5 - 2025 giảm 154 USD/tấn, còn 5.437 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 7 - 2025 giảm 136 USD/tấn, còn 5.443 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 9 - 2025 giảm 126 USD/tấn, còn 5.407 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 11 - 2025 giảm 123 USD/tấn, còn 5.324 USD/tấn.
Như vậy, chỉ trong một đêm, giá cà phê Robusta đã mất từ 123 – 154 USD/tấn, tương đương với 3.120 – 3.900 đồng/kg, còn từ 135 – 138 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Arabica cũng giảm mạnh từ 1,35% - 1,66%, kỳ hạn giao hàng tháng 5 - 2025 giảm 140 USD/tấn, còn 8.640 USD/tấn, tương đương với 219 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê đã giảm mạnh sau khi các nhà khí tượng học của Climatempo dự báo sẽ có mưa rải rác trên các vùng trồng cà phê của Brazil vào cuối tuần này.
Bên cạnh đó, tồn kho cà phê Robusta do ICE giám sát đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần vào thứ Ba, đạt 4.414 lô. Ngược lại, tồn kho cà phê Arabica do ICE theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tháng vào thứ sáu tuần trước, còn 777.708 bao.
Mặc dù vậy, thị trường nội địa tại Brazil vẫn hoạt động ở mức trầm lắng, lượng cà phê còn lại của vụ hiện tại đang được đưa ra thị trường với tốc độ chậm, khi các nhà sản xuất có nguồn tài chính vững chắc vẫn giữ lại cà phê.
Trong khi đó, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Brazil tuần trước đã quyết định tăng lãi suất Selic lên 14,25%, có khả năng sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5 nếu lạm phát và chi tiêu không được kiểm soát ở mức có thể chấp nhận.
Theo Bộ Nông nghiệp Uganda, khối lượng xuất khẩu cà phê của quốc gia này trong tháng 2 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, do giá cao thúc đẩy các thương nhân giải phóng lượng lớn hàng tồn kho của họ. Uganda là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi, chủ yếu trồng giống cà phê Robusta. Cụ thể, trong tháng 2, quốc gia Đông Phi này đã xuất khẩu 555.756 bao cà phê 60 kg, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Nông nghiệp cho biết trong một báo cáo mới được công bố.
Báo cáo cũng cho thấy, Uganda đã thu về 167,7 triệu USD từ xuất khẩu cà phê trong tháng 2, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. "Mức giá cao trên thị trường quốc tế đã thúc đẩy nhà xuất khẩu giải phóng lượng hàng dự trữ của họ," báo cáo cho biết. Theo Bộ Nông nghiệp Uganda, trong 12 tháng tính đến tháng 2, Uganda đã thu về 1,7 tỷ USD từ xuất khẩu, so với khoảng 1 tỷ USD trong năm ngoái.