Giá đậu tương kỳ hạn tại Chicago tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/4/2025), phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tháng ghi nhận vào đầu tuần do giá đậu tương tại Brazil tăng và đồng USD suy yếu, giúp nông sản Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Theo ghi nhận lúc 10h40 sáng ngày 9/4 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai đậu tương kỳ hạn tháng 5/2025 trên sàn CBOT đang được giao dịch với giá 9,95 USD/giạ, tăng 0,23% (tức 2,2 cent) so với phiên giao dịch trước đó.
Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã mua một số lô hàng đậu tương từ Brazil, khiến giá cơ sở tăng vọt. Khối lượng đậu tương Brazil xuất khẩu kỷ lục sang Trung Quốc trong quý 1 gần như chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì mức cao kỷ lục trong quý 2.
Các hãng tin cho biết Tổng thống Trump đã chỉ đạo đội ngũ đàm phán thương mại của mình thiết lập các thỏa thuận "may đo riêng" cho gần 70 quốc gia đang tiến hành đàm phán với Mỹ. Thuế trả đũa sẽ được áp dụng trong thời gian các cuộc đàm phán diễn ra.
Các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học Mỹ và các tập đoàn dầu mỏ lớn đã đề xuất với EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) tăng nghĩa vụ pha trộn diesel sinh học lên 5.25 tỷ gallon vào năm 2026, tăng so với mức hiện tại 3.35 tỷ gallon, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng nâng lên 5.50 – 5.75 tỷ gallon. Mức pha trộn này vẫn thấp hơn nhiều so với công suất hiện tại 6.575 tỷ gallon.
Một số bang đã báo cáo tiến độ gieo trồng đậu tương trong đó Louisiana và Arkansas đang dẫn đầu với 11% diện tích đã gieo xong.
Việc nhà máy ép dầu Vicentin của Argentina – chiếm khoảng 9% công suất ép dầu toàn cầu – ngừng hoạt động gần đây đã giúp biên ép dầu trong nước của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, đạt 1.50 USD/gia.
Nhập khẩu đậu tương của EU đạt 10.3 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước. Nhập khẩu khô đậu đạt 14.4 triệu tấn, tăng mạnh 26%.