Tại thị trường trong nước
Giá tiêu trong nước ngày hôm nay giữ ổn định ở mức 160.000 - 162.000 đồng/kg tại các địa phương sản xuất trọng điểm.
Trong đó, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang ở mức cao nhất 162.000 đồng/kg.
Còn tại các địa phương khác bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai và Bình Phước, giá tiêu đang ở mức thấp hơn 160.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Kuching Malaysia ở mức 9.500 USD/tấn; tiêu đen Lampung Indonesia ở mức 7.287 USD/tấn; tiêu đen ASTA 570 tại Brazil đứng ở mức thấp hơn 6.800 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam đang ở mức 6.500 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 6.650 USD/tấn với loại 550 g/l. Đây cũng được ghi nhận là mức giá thấp nhất trên thị trường.
Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng ASTA Malaysia được báo giá ở mức 12.000 USD/tấn; tiêu trắng Muntok Indonesia đạt 10.127 USD/tấn; tiêu trắng của Việt Nam đạt 9.550 USD/tấn.
Cập nhật thông tin hồ tiêu
Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng 1 đạt 12.958 tấn, trị giá hơn 87,5 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và 10,1% về trị giá so với tháng 12 - 2024, còn so với cùng kỳ giảm 25,9% về lượng nhưng tăng 25,1% về trị giá nhờ giá tăng cao.
Xuất khẩu tiêu giảm trong tháng đầu năm một phần là do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Bên cạnh đó, nguồn cung vụ trước cũng không còn nhiều trong khi vụ thu hoạch năm 2025 diễn ra muộn do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Giá xuất khẩu tiêu bình quân của Việt Nam trong tháng đầu năm đạt 6.756 USD/tấn - mức cao nhất trong 9 năm qua (kể từ tháng 2 - 2017), tăng 2,3% so với tháng trước và tăng tới 68,9% so với tháng 1 - 2024.
Trong tháng 1, Mỹ tiếp tục được ghi nhận là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng đạt 2.829 tấn, tương đương 21,7 triệu USD, chiếm 21,8% trong tổng lượng và 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu của cả nước, giảm mạnh 41,4% về lượng nhưng tăng 8,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là thị trường Đức, đạt 1.326 tấn, tương đương trị giá gần 9,4 triệu USD, chiếm trên 10% xuất khẩu tiêu của cả nước, tăng 37% về lượng và tăng 2,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đứng thứ 3 với 976 tấn, tương đương 6,99 triệu USD, chiếm gần 8% thị phần, giảm 29,5% về lượng và tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; trong khi Hàn Quốc giảm 36,3%; Philippines giảm 42,9%; Hà Lan giảm 52,2%; Pháp giảm 15,7%.
Đáng chú ý, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, xuất khẩu tiêu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt 947 tấn. Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng tiêu xuất khẩu Việt Nam cũng tăng lên mức 7,3% từ mức 2,7% của tháng 1 - 2024. Tuy nhiên, lượng tiêu xuất khẩu này vẫn thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Khối lượng xuất khẩu sang các thị trường biến động không đồng nhất, nhưng nhìn chung giá trị kim ngạch thu về vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là bởi giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh, như giá tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt bình quân 7.680 USD/tấn, tăng 85,3%; thị trường Đức đạt bình quân 7.065 USD/tấn, tăng 54,8%; Ấn Độ đạt 7.158 USD/tấn, tăng 75,6%..., đặc biệt giá tiêu xuất khẩu bình quân vào Pakistan đã tăng gấp đôi, lên 6.780 USD/tấn.